Đam mê trồng cây thuốc quý, 9X Thái Nguyên bỏ việc nhẹ lương cao về quê làm dược liệu OCOP

14-03-2023

Đang có công việc thu nhập tương đối cao, nhưng anh Nguyễn Quốc Hoàng (xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) vẫn quyết định bỏ về quê trồng cây dược liệu. Anh đã tổ chức trồng, bảo tồn cây dược liệu kết hợp vật lý trị liệu, trong đó tập trung vào các cây thuốc quý như cây ba kích, cây khôi nhung,...

Theo đuổi đam mê với cây dược liệu

Lúc nhỏ, anh Nguyễn Quốc Hoàng (xóm Bài Kịnh, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) thường được ông nội và bố cho đi theo lên rừng hái thuốc về chữa bệnh cho người dân trong vùng. Chính điều đó đã nuôi dưỡng tình yêu và đam mê với cây dược liệu trong anh.

Lớn lên, tốt nghiệp đại học, trải qua nhiều công việc mang lại thu nhập cao như môi giới bất động sản và kinh doanh online. Nhưng, do niềm đam mê với cây thuốc luôn thôi thúc, năm 2021 anh Hoàng đã đi học thêm ngành y học cổ truyền tại trường Trung cấp y tế Thái Nguyên. 

Đến đầu năm 2022 anh quyết định trở về quê hương khởi nghiệp với mô hình trồng và bảo tồn các loài cây dược liệu.

Theo anh Hoàng, ở địa phương, những cây thuốc nam rất nhiều và lành tính, nhưng người dân ở đây chưa biết cách tận dụng để dùng và phát triển. Do đó, anh muốn nghiên cứu để bào chế ra những sản phẩm vừa hiệu quả mà giá cả lại hợp lý và ai cũng có thể sử dụng được.

Nghĩ và làm, bắt tay vào công việc, anh Hoàng chính thức tiếp quản lại HTX Nông nghiệp Tiên Phong xã Yên Trạch chuyên về trồng cây dược liệu. Hiện HTX có tất cả 11 thành viên, kết hợp liên kết với hơn 10 hộ dân để trồng và bảo tồn các loài cây dược liệu như ba kích, sâm bố chính, khôi nhung…

"Ban đầu do chưa nhận thấy giá trị từ cây dược liệu mang lại nên nhiều hộ dân trong vùng vẫn chưa tin tưởng trồng. Tuy nhiên, sau quá trình được chúng tôi tuyên truyền, vận động và hỗ trợ kỹ thuật trồng cũng như cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm của các hộ dân sau khi thu hoạch, khi đó nhiều hộ đã tin tưởng làm theo.

Thái Nguyên: Đam mê cây thuốc, thanh niên trẻ từ bỏ việc nhẹ lương cao về quê trồng và bảo tồn cây dược liệu - Ảnh 2.

Anh Hoàng cùng bố kiểm tra chất lượng cây ba kích giống trước khi trồng. Ảnh: Hà Thanh

Hiện nay, thị trường đầu ra của HTX tương đối ổn định. Bên cạnh bán sản phẩm thô, HTX của chúng tôi còn sản xuất các sản phẩm dạng cao, trà túi lọc để hỗ trợ điều trị một số bệnh về gan, thận, dạ dày, xương khớp…", anh Hoàng chia sẻ.

Thông tin thêm, anh Hoàng cho biết, trong năm 2023, HTX sẽ trồng khoảng 4 ha cây dược liệu, trong đó có 40.000 cây ba kích trên diện tích gần 2 ha, 0,5 ha cây khôi nhung và hơn 7.000 m2 cây sâm bố chính để sản xuất cao dược liệu. Đặc biệt, trong năm nay HTX cũng  sẽ trồng thử nghiệm khoảng 0,5 ha cây an xoa để hỗ trợ điều trị các bệnh về gan.

Thái Nguyên: Đam mê cây thuốc, thanh niên trẻ từ bỏ việc nhẹ lương cao về quê trồng và bảo tồn cây dược liệu - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Quốc Hoàng cho biết trong năm 2023, HTX Nông nghiệp Tiên Phong của anh sẽ trồng khoảng 0,5ha cây khôi nhung. Ảnh: Hà Thanh

Tạo việc làm cho lao động địa phương

Nam Giám đốc trẻ tuổi của HTX Nông nghiệp Tiên Phong phấn khởi cho biết, sau một năm phát triển mô hình trồng cây dược liệu, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, nhiều bà con trong vùng đã bắt đầu liên kết với HTX để trồng theo. 

"Đến nay, HTX đã thu hoạch sản phẩm sâm bố chính mang lại lợi nhuận từ 7 – 9 triệu/sào/năm đối với sản phẩm thô. Còn nếu sản xuất trà hoặc cao thì lợi nhuận sẽ cao hơn", anh Hoàng hồ hởi nói.

Trong quá trình trồng và chăm sóc cây dược liệu, bên cạnh các hộ thành viên và liên kết, anh Hoàng còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 3 – 4 lao động là người lớn tuổi với ngày công lao động trung bình 200.000đ/người.

Ngoài ra, HTX còn có thêm 2 lao động xoa bóp, bấm huyệt phục vụ lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cho bà con như xương khớp, đau vai gáy, thần kinh toạ, thoát vị đĩa đệm… và 1 lao động chuyên phục vụ sản xuất, chế biến cao dược liệu.

Thái Nguyên: Đam mê cây thuốc, thanh niên trẻ từ bỏ việc nhẹ lương cao về quê trồng và bảo tồn cây dược liệu - Ảnh 4.

                                           Các thành viên HTX Nông nghiệp Tiên Phong trao đổi kinh nghiệm sản xuất cây dược liệu. Ảnh: Hà Thanh

Xây dựng sản phẩm OCOP, ứng dụng công nghệ số tiêu thụ sản phẩm

Đặc biệt, bên cạnh việc bán hàng theo cách truyền thống, HTX của anh Hoàng còn thực hiện ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm như đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, bán hàng qua các kênh, mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok, youtube, website…

Để phục vụ công việc này, HTX có đội ngũ 5 nhân viên chuyên hoạt động ở lĩnh vực marketing online.

Sắp tới anh Hoàng dự định sẽ mở rộng thêm quy mô, diện tích và loại cây dược liệu phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, liên kết với công ty thực phẩm chức năng để sản xuất thực phẩm chức năng từ các loại cây dược liệu của HTX.

Cùng với đó, anh Hoàng dự định sẽ phát triển thêm mô hình nuôi gà và lợn với khoảng 1.000 con gà Tiến Vua (gà 6 ngón) và từ 50 – 100 con lợn rừng, trong đó sử dụng nguồn thảo dược để làm thức ăn.

Ngoài ra, trong năm 2023 này, Giám đốc trẻ sinh năm 1991 đang cùng với Phòng Nông nghiệp huyện Phú Lương xây dựng kế hoạch phát triển cánh đồng trồng lúa bao thai sản xuất theo quy trình VietGAP với diện tích hơn 10ha để sản xuất mỳ gạo và đăng ký OCOP cho sản phẩm này. Hiện tại, HTX đang xin kế hoạch để xây dựng nhà xưởng sản xuất mỳ đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thêm nữa, anh cũng xây dựng cánh đồng trồng lúa nếp Vải với diện tích hơn 20 ha. Trên cơ sở đó, HTX sẽ nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm gạo bao thai và nếp Vải cho bà con. Theo anh Hoàng, đây là tiêu chí để xã Yên Trạch về đích nông thôn mới trong năm nay.

Thái Nguyên: Đam mê cây thuốc, thanh niên trẻ từ bỏ việc nhẹ lương cao về quê trồng và bảo tồn cây dược liệu - Ảnh 5.

                                                      Diện tích trồng sâm bố chính của HTX. Ảnh: Hà Thanh

Đối với sản phẩm từ cây dược liệu, anh Hoàng cho biết, dự định của anh là phấn đấu đến năm 2024 sẽ xây dựng sản phẩm trà túi lọc sâm bố chính đạt sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, sau khi trồng thử nghiệm cây khôi nhung nếu đạt yêu cầu, anh sẽ tiếp tục làm sản phẩm cao khôi nhung để đăng ký OCOP.

 

Theo Hà Thanh - Kiều Hải 

Link nguồn: Trồng la liệt cây khôi nhung, sâm bố chính, ba kích, 9X Thái Nguyên hợp tác làm giàu (danviet.vn)

 

content

Các tin khác

0_tien-phong-du-lich-1-2451.jpg

Ứng dụng du lịch thông minh, bản đồ số FoodTour xúc tiến du lịch cộng đồng

App du lịch thông minh, Bản đồ số FoodTour Hải Phòng, Tổ chức hoạt động khuyến khích thanh niên khởi nghiệp du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững tại các địa phương, trải nghiệm nhà sàn ở rừng

11-03-2023

0_anh-1-1676778639703122886264.jpg

Cô giáo 9X sáng tạo búp bê hồ lô hút khách du lịch

Bầu hồ lô ngoài làm thức ăn, dụng cụ đựng nước, nhạc cụ của người dân tộc… còn là nguyên liệu làm nên những con búp bê mang đậm nét văn hóa Việt Nam, nhờ sự khéo léo và sáng tạo của cô giáo Trịnh Thị...

21-02-2023

0_a2-2023-02-17t171700949-2377.jpg

Đánh thức tiềm năng du lịch dưới đỉnh Phia Oắc

Đam mê khám phá cùng khát vọng vươn lên thoát nghèo, chàng trai Chu Tiến Thanh (SN 1992, xóm Lũng Mười, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) đã “đánh thức” tiềm năng du lịch ở dưới đỉnh...

20-02-2023

0_z4116645738979_1fed34cdf375b212eb3a8cfa036f861f.jpg

Vườn dâu tây chín mọng của ông chủ 9x xứ Nghệ

Sau nhiều lần thử nghiệm, anh Sơn đã trồng thành công vườn dâu tây chín đỏ căng mọng trên mảnh đất xã Hưng Thành (Hưng Nguyên, Nghệ An). Hiện vườn dâu đã chín và cho thu hoạch.

17-02-2023